top of page
Typewriter.jpg
Tìm kiếm
  • Ảnh của tác giảMichael Arnold

Tôi đã nhận mũi tiêm của cô ấy

Đã cập nhật: 30 thg 7, 2022


Tất cả những ai đã sống qua giai đoạn lockdown ở Sài Gòn, đợt bùng phát đã lấy mạng của Phi Nhung, sẽ không bao giờ quên được những ngày tháng khủng khiếp ấy.


Vào cuối tháng 4 năm 2021, sau một năm tưởng chừng được sống trong sự an toàn khi nhiều nước khác trên thế giới phải vật lộn với Covid-19, Việt Nam cuối cùng đã bị con virus này chế ngự. Nguồn năng lượng bất tận của Sài Gòn tắt dần khi ngày càng nhiều người dân nơi đây bắt đầu có triệu chứng khó thở, khi những rào chắn thép gai quây chằng chịt trên các con đường của thành phố. Mười triệu người dân ngồi nhà chờ lệnh phong tỏa được dỡ bỏ sau "chỉ hai tuần nữa", hết lần này đến lần khác...


Điều mà giờ đây có thể đã bị quên đi phần nào chính là suy nghĩ của hầu hết mọi người vào thời điểm đó. Chúng ta khi ấy được thông báo rằng vaccine đang được gửi về, rằng mọi người sẽ sớm được tiêm ngừa và cơn ác mộng này sẽ kết thúc. Dù có tin tưởng vaccine hay không, ai ai cũng đều biết rằng chỉ khi vaccine về đến thì tình hình mới có thể thay đổi. Tuy nhiên, trong những ngày đó, điều này không phải đơn giản.


Vào thời điểm ấy, nhiều người dân ở Mỹ đã đang xếp hàng để được tiêm vaccine, trong khi những người khác thì giận dữ từ chối. Thái độ đối với việc tiêm ngừa Covid đã chia rẽ mọi người. Những người muốn tiêm ngừa nghĩ rằng họ có trách nhiệm bảo vệ bản thân để không trở thành mối đe dọa cho người khác. Họ đăng ký, chờ đợi và sau đó đăng lên mạng những bình luận về việc họ vui mừng như thế nào khi được tiêm ngừa. Mặc dù nhiều người khác trên khắp thế giới khi ấy đang rất khốn khổ, đang ủ bệnh hay mang trong mình các biến thể mới của virus, nhưng bản thân họ nghĩ rằng giải pháp là tiêm vaccine càng sớm càng tốt. Đó là giới hạn nhân văn cao nhất của họ—bảo vệ chính mình.


Kiểu người còn lại thì kiên quyết từ chối vaccine. Họ nghĩ rằng đó là một trò lừa, rằng đó là chất độc, rằng nó không an toàn và không thể an toàn, rằng bằng cách nào đó nó sẽ cướp đi quyền tự do của họ. Đối với họ, toàn bộ đại dịch không hơn gì một sự bất tiện khó chịu.


Hai thái cực quan điểm này vẫn không đổi cho đến ngày nay. Chúng ta vẫn đang chia rẽ.


Tôi đã suy nghĩ rất nhiều về thái độ của Phi Nhung đối với vaccine, bởi vì cô là người duy nhất mà tôi biết không thuộc một trong hai lối suy nghĩ trên. Ngay cả khi các lô vaccine hiếm hoi đầu tiên bắt đầu về đến Việt Nam, cô đã không tận dụng địa vị người nổi tiếng hoặc tư cách công dân Mỹ của mình để đảm bảo một suất cho bản thân. Không phải vì cô không tin vào khả năng bảo vệ của vaccine, mà là vì cô hiểu rằng vaccine không hẳn là giải pháp duy nhất cho đại dịch.


Vấn đề không phải là con virus. Vấn đề là đại dịch đã khiến mọi người khổ sở như thế nào. Đó là thực tế mà Phi Nhung hiểu, không cần thắc mắc. Việc tiêm vaccine cá nhân không phải là vấn đề khiến cô quá nặng lòng. Đối với Phi Nhung, nỗi khổ của người dân Sài Gòn – sự đói khát, đơn độc, cô lập và sợ hãi – mới chính là căn bệnh cần phải được chữa trị, và cô đã dốc hết tâm sức để chữa lành nỗi đau đó. Cô mạnh khỏe và vẫn còn trẻ, cô biết rằng việc tạm hoãn mũi vaccine của bản thân là hợp lý.


Phi Nhung không ngốc. Cô biết rõ những rủi ro, nhưng đạo đức và lương tâm nói với cô rằng việc giúp người quan trọng hơn những rủi ro đó. Trên hết, cô không muốn sử dụng một mũi vaccine mà mình biết có thể giúp ích cho người khác.


Khi đối mặt với câu hỏi đã chia rẽ thế giới của chúng ta, Nhung đã tìm ra con đường thứ ba, con đường trung đạo, một lập trường đạo đức đúng đắn.


Đôi khi tôi cảm thấy toàn bộ đại dịch là một bài thử nghiệm cho nhân loại. Chúng ta sẽ chia rẽ và đau khổ, hay chúng ta sẽ hợp lại cùng nhau và hàn gắn? Mặc dù hầu hết chúng ta đều đồng ý rằng phải ngăn chặn sự lây lan của virus nhưng điều này không có nghĩa là chúng ta không có trách nhiệm cao hơn đối với nhau. Tất cả chúng ta đều biết rằng để cứu mạng, chúng ta phải chấp nhận một mức độ rủi ro nhất định. Mức độ rủi ro mà chúng ta sẵn lòng chấp nhận chính là đề bài thử nghiệm ấy. Theo một cách nào đó, nhân loại đã thất bại trong bài thử nghiệm này, và thậm chí bây giờ, tình hình chính trị vẫn tồi tệ, còn chúng ta thì vẫn đang tranh cãi. Phi Nhung đã bị Covid-19 đánh gục, nhưng cô không thất bại khi bị nó thử lòng.


Cái chết của Nhung không phải là không thể tránh khỏi, mà chỉ là một khả năng. Cô chấp nhận rủi ro đó, cũng như mọi người lính đều biết rằng mình có thể mất mạng khi bảo vệ người dân. Câu chuyện cuộc đời của Nhung là câu chuyện về việc hàn gắn sự chia cắt. Cô là cầu nối giữa Mỹ và Việt Nam sau một cuộc chiến khủng khiếp. Cô là người bị cả hai bên bỏ lại, là người đã tìm thấy sự hợp nhất trong âm nhạc. Cô cũng đã đưa một lý tưởng Phật giáo vào đời thật, đó là vượt qua nỗi khổ của cá nhân và mang lại ánh sáng cho người khác. Con đường đạo đức của cô là điều mà ngay cả người theo tôn giáo khác cũng có thể hiểu được—chẳng phải điều cốt lõi của đức tin Công giáo là khái niệm hy sinh bản thân sao? Chẳng phải Chúa Giê-su đã chết để những người khác được cứu rỗi sao?


Theo nghĩa đen, thực tế là một người nào khác ở Việt nam đã được nhận mũi vaccine của Phi Nhung bởi vì cô đã không nhận cho mình. Người đó có thể là bất kỳ ai trong chúng ta đã tiêm vaccine ở đất nước này. Đó có thể là tôi, đó có thể là bạn. Trong khi chúng ta trốn trong nhà than thở không được cắt tóc hay không có đủ trứng làm bánh, Phi Nhung chạy ngược xuôi ngoài kia để mang thức ăn đến cho những người đói khát. Trong khi chúng ta tranh giành để có một suất vaccine, Nhung bình thản đứng sang một bên để chúng ta được nhận, thay vì lấy một phần cho mình. Trong khi truyền thông xã hội xôn xao những bài đăng khoe khoang về mối quan hệ cá nhân đã giúp nhiều người có được mũi Pfizer danh giá, Nhung lẳng lặng nhường lại phần của mình. Không phải vì cô không tin vaccine, mà là cô không tin mình đáng nhận mũi vaccine đó hơn bất kỳ người nào khác. Tôi tin chắc rằng ngay cả khi biết mình có thể phải mất mạng, Nhung vẫn sẽ không nhận một mũi vaccine ở Việt Nam vào thời điểm đó. Một người có trái tim như cô không thể để bất kỳ ai khác chết thay cho mình.


Nhung là tấm gương mà chúng ta cần noi theo, là bài học mà chúng ta cần học, là thử thách mà chúng ta cần để vươn lên trong khoảng thời gian khủng khiếp. Hầu hết chúng ta đều đã bỏ lỡ cơ hội vượt qua thử thách này.


Vì vậy, tôi muốn nói một điều với tất cả những người yêu thương Phi Nhung, những người cũng như tôi, đã sống qua khoảng thời gian đen tối đó và đã được tiêm vaccine ở đất nước Việt Nam này. Tôi muốn tất cả các bạn hãy suy nghĩ về thực tế rằng, có thể mũi vaccine được tiêm vào bắp tay mình lẽ ra là của Phi Nhung nếu cô không nhường lại. Một người nào đó ở Việt Nam đã nhận mũi vaccine của Phi Nhung, một sự bảo vệ mà lẽ ra đã cứu mạng cô. Đó là sự bảo vệ mà cô nhường lại cho bạn.


Trong sách tiểu sử sắp ra mắt của Phi Nhung, An Emissary from Heaven, chúng tôi muốn bao gồm một số bức thư từ người hâm mộ, cảm ơn sự hy sinh của cô. Tôi không nói về sự hy sinh Nhung dành cho Việt Nam — tất cả chúng ta đều biết rằng Nhung đã dành toàn bộ thời gian sống của mình trên cuộc đời này để hy sinh cuộc sống cá nhân, thời gian, nỗ lực và tiền bạc mà cô kiếm được cho đất nước này. Tôi đang nói về sự hy sinh mũi vaccine đã giúp ích cho một cá nhân nào đó. Nếu bạn đã tiêm vaccine và bạn đang ở Việt Nam, có thể người đó là bạn. Theo một cách nào đó, tất cả chúng ta đều có khả năng là người đã nhận mũi vaccine của Phi Nhung.


Tôi muốn nhờ những người yêu thương Phi Nhung nhất, những người hiểu được cảm giác trĩu nặng khi nhận mũi vaccine mà cô đã nhường lại, hãy viết những lời tâm tình và cảm ơn gửi đến Phi Nhung vào phần “Bình luận” dưới cùng của trang bài viết này, xoay quanh chủ đề “Tôi đã nhận mũi tiêm của cô ấy” (I Got Her Shot). Chúng tôi sẽ chọn ra những bức thư hay nhất trong số đó và dịch sang tiếng Anh để đưa vào sách tiểu sử chính thức của Phi Nhung, được phát hành vào ngày giỗ đầu của cô — ngày cô đã lìa đời một năm trước vì nhường sự bảo vệ cho ai đó trong chúng ta.



1.545 lượt xem6 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả

The Scribe

bottom of page